Một trong những điều mà người đi mua xe cũ lo lắng nhất là chiếc xe đã từng bị thủy kích. Nếu bị nặng, gần như toàn bộ các chi tiết quan trọng trên xe đều có thể chịu ảnh hưởng, giảm tuổi thọ của xe và thậm chí gây tốn kém tiền bạc trong quá trình sử dụng.
Nhiều người dân sống ở các thành phố lớn như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh chắc hẳn chẳng còn xa lạ gì với cảnh đường phố thành sông sau những trận mưa như trút nước. Đã có nhiều bài viết, nhiều kênh thông tin đăng tải về những nguyên tắc đi xe khi bị ngập nước, cách xử lý thế nào cho đúng, nhưng không phải ai cũng vận dụng đúng. Và kết quả là những chiếc xe vẫn bị “sặc”, tiêu tốn rất nhiều tiền mà chất lượng phục hồi vẫn chẳng ăn thua.
Bài viết này sẽ không đề cập thêm về cách đi xe trong vùng ngập nước nữa, mà chỉ đề cập đến những hậu quả, cũng như các di chứng để lại khiến cho những người mua xe cũ có thể vấp phải. Các chuyên gia kỹ thuật cũng sẽ chỉ ra những phương pháp để nhận biết một chiếc xe đã từng bị “chết đuối” rồi được cứu sống trở lại.
Nước có thể phá toàn bộ xe?
Khi xe đi vào vùng bị ngập, nước sẽ đi vào qua ống hút gió, chui vào bên trong động cơ và làm chết máy. Trong trường hợp đó, nếu xe được cứu hộ ngay thì hậu quả có thể sẽ nhẹ hơn rất nhiều và cứu được một số bộ phận. Tuy nhiên, nếu người điều khiển xe tiếp tục cố đề để nổ máy, tay biên sẽ bị gãy và chọc vào thành xi-lanh gây trầy xước, thậm chí là hỏng nặng.
Tiếp đó, nước tràn vào khoang xe sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các hệ thống điện. Những phần liên quan có thể là mô tơ điều khiển ghế, cảm biến đai an toàn, ABS, cảm biến túi khí… tóm lại là những cụm chi tiết nằm ngang tầm của bệ điều khiển trung tâm. Các xe mà hộp ECU bố trí ở vị trí thấp cũng sẽ bị ướt, bị ô xy hóa các chân cắm, có thể làm cho các đi-ôt bị nổ, các điểm tiếp xúc bị mô-ve điện, lâu ngày sẽ bị ăn mòn, đứt. Các chế độ điều khiển khi đó sẽ bị loạn, thậm chí không nổ máy được.
Các bộ phận của hệ thống treo và truyền động có thể không bị ảnh hưởng tức thì, nhưng các dấu hiệu sẽ xuất hiện sau môt thời gian sử dụng xe. Anh Nguyễn Văn Phúc – Giám đốc Trung tâm 1 thuộc Hệ thống Dịch vụ Ô tô Nam Trường Thành – Hà Nội cho biết: “Hầu hết những chiếc xe đã từng bị ngập nước đều có hiện tượng gằn bi, ổ trục bị kêu sau khoảng hơn 1 tháng. Nếu muốn biết thì chỉ có cách là chạy thử xe rồi cảm nhận độ êm và trơn tru của hệ thống chassis, hoặc kiểm tra trực tiếp bằng cách tháo ra”.
Cuối cùng, phần chịu ảnh hưởng nặng nề khi xe bị ngập là nội thất xe, bao gồm sàn xe, các nệm ghế cánh cửa và các loa bố trí ở vị trí thấp. Nước bẩn tràn vào khoang xe sẽ ngấm và đọng lại bên trong các nệm ghế, các táp-pi cửa, dưới sàn xe… Nếu những phần này không được vệ sinh sạch sẽ cẩn thận sẽ làm cho toàn bộ nội thất bị ố mốc và mục nát sau một thời gian ngắn.
Những dấu hiệu nhận biết
- Khi bị tháo/rã máy: Khi xe đã bị cong hoặc gãy tay biên, việc khắc phục bắt buộc phải tháo toàn bộ máy. Công việc này sẽ để lại những dấu hiệu có thể dễ dàng quan sát, bởi quá trình lắp lại máy phải dùng đến một loại keo gọi là keo ráp máy.
Với các loại xe đời mới, gioăng nắp máy có thể được bán sẵn, hoặc còn dùng lại được thì khó có thể phát hiện ra là nắp máy đã bị tháo hay chưa. Nhưng tất cả các phần còn lại của vỏ máy vẫn phải dùng keo khi ráp lại. Còn với các loại xe đời cũ, gioăng nắp máy không có bán trên thị trường nên trong quá trình sửa chữa mà có tháo máy, người thợ chỉ còn cách duy nhất là bôi keo để làm kín máy khi được ráp lại.
Sự khác biệt thể hiện qua lớp keo này. Trên xe nguyên bản, nhà sản xuất bắn keo bằng robot đạt đến độ chính xác rất cao. Vết keo không bị thừa, hoặc nếu có thì cũng chỉ mảnh như sợi dây cước và rất gọn. Còn khi sửa chữa, keo được bôi thủ công nên thường không thẳng, bị phè ra ngoài rất nhiều. Cẩn thận hơn, chúng ta có thể nhìn xuống gầm máy, xem keo gắn giữa đáy các-te và thân máy có bị thừa và phè ra hay không.
Việc nhận biết máy đã bị tháo có thể bằng quan sát các bu-lông hoặc các con ốc. Trên xe nguyên bản, các con ốc sẽ không bị trầy xước. Hơn nữa, trong khi rã máy, người thợ sửa chữa phải tiến hành vệ sinh toàn bộ các chi tiết, và nếu chiếc xe vừa được đại tu thì các vết bụi bám sẽ không còn tự nhiên như xe nguyên bản.
Trường hợp hiếm, nhưng không phải là không xảy ra, đó là xe bị thay lốc hoàn toàn mới, trong khi số máy lại thường được dập trên bộ phận này. Chính vì vậy, người mua xe cũ cần phải xem kỹ cả số khung và số máy, đối chiếu với đăng ký xe. Đây cũng là một trong những vấn đề nan giải, đòi hỏi người xem xét phải thật sự có kinh nghiệm mới có thể phân biệt được số xe có bị đục lại hay không.
- Khi hệ thống bị lỗi: Về vấn đề này, người mua xe không thể xem xét trực tiếp các hệ thống bằng mắt thường xem có hỏng hóc gì sau khi bị ngập nước. Hệ thống túi khí, dây đai an toàn, phanh ABS… tất cả đều được biểu hiện trên đồng hồ táp lô. Để đảm bảo các hệ thống vẫn hoạt động bình thường, các đèn báo phải đồng loạt bật sáng ngay khi vặn chìa khóa và tắt ngay sau 2-3 giây.
Một số lỗi hệ thống có thể bộc lộ khi vận hành xe, chẳng hạn như hệ thống ABS. Thông thường, hệ thống này chỉ hoạt động khi xe đạt tốc độ cao, bánh xe bắt đầu có dấu hiệu bị trượt. Có những trường hợp ABS bị lỗi, và tự động kích hoạt ngay cả khi đệm phanh ở tốc độ thấp và người ngồi sau vô-lăng có thể nhận ra qua tiếng khục khục ở bánh xe khi rà nhẹ chân phanh.
- Khi nội thất bị ẩm mốc: Khi muốn bán một chiếc xe đã qua sử dụng với giá cao nhất, chủ xe thường sẽ vệ sinh toàn bộ ngoại thất cũng như nội thất, thậm chí là khử mùi cẩn thận. Vậy công việc này có giúp che giấu được những gì đang “ấp ủ và hủy hoại” bên trong lớp nỉ hay da bóng bảy?
Thường thì sau khi bị ngấm nước bẩn, nệm ghế cũng như tapi cửa, sàn xe… phải được tháo tung và vệ sinh rồi sấy thật khô. Nhưng điều đó không có nghĩa là nội thất được phục hồi đó có giữ được bền như trước, đặc biệt là quá trình vệ sinh không triệt để. Lý do là nệm có thể đã khô, nhưng các chất bẩn chứa vi khuẩn và nấm mốc vẫn còn đọng lại, và sẵn sàng chờ những dịp thời tiết có độ ẩm lớn, sẽ hút ẩm và sinh sôi nảy nở.
Biểu hiện rõ ràng nhất của việc nội thất bị ẩm ướt là bề mặt nền nội thất bị mốc. Mùi ẩm mốc sẽ bốc lên ngay khi mở cửa xe. Nếu chỉ đánh bóng để mong bán được xe thì cũng chỉ sau một thời gian ngắn, khoảng 10 – 15 ngày, hoặc thậm chí 2-3 ngày đóng cửa không sử dụng, khoang xe sẽ lại bốc mùi và bề mặt nội thất có thể bị rộm mốc trở lại. Người mua xe cần xem xét đặc biệt cẩn thận ở các ngóc ngách như các điểm tiếp xúc giữa mặt và lưng ghế, bệ trung tâm, các khe trên pa-nô cửa…
Trong quá trình kiểm tra xe, một việc nên làm nữa là bật hệ thống âm thanh lên, vặn volume tối đa trong khoảng nửa phút. Một số loại loa cánh cửa khi bị ngập nước thì màng sẽ bị ẩm, bị rè, thậm chí màng loa có thể bị bục nếu phải làm việc với công suất tối đa.
Đôi dòng kết luận
Sau 2 số báo xuất bản, chúng ta có thể đã thấy rằng có nhiều việc để làm khi chọn mua một chiếc xe cũ ưng ý. Nếu chẳng may “chuốc” phải những chiếc xe đã từng bị “chết đuối sống lại” này, hậu quả có thể sẽ khôn lường và chi phí cũng sẽ vô cùng tốn kém.
Còn đối với người sử dụng xe, tránh để xe bị thủy kích khi đi qua vùng ngập lụt cũng là cả một nghệ thuật, và là cả kinh nghiệm. Mỗi người khi sở hữu một chiếc xe cũng cần biết cửa lấy gió của xe nằm ở vị trí nào, để từ đó xem xét độ sâu của vùng nước mà chiếc xe có thể vượt qua. Với các xe off-road đã được trang bị ống thở, mức nước ngập có thể rất cao, nhưng với các xe nguyên bản thì mức nước thường chỉ được phép ngập nửa bánh xe.
Một kinh nghiệm quan trọng trong khi cho xe di chuyển ở vùng ngập nước, là lái xe cũng phải tính đến yếu tố sóng do các xe khác tạo ra, nước có thể dâng và ập vào cửa hút gió. Lúc đó, nếu cẩn thận thì lái xe hãy chủ động tắt máy trước khi bị sóng đánh, đẩy xe lên chỗ cao rồi mở lọc gió ra kiểm tra. Nếu lọc gió vẫn khô thì có thể cho xe vận hành bình thường. Còn nếu lọc gió đã bị ướt thì có thể tạm thời tháo lọc gió rồi đưa xe về gara tin cậy để kiểm tra và xử lý.
(Đón đọc phần cuối trong số báo tới để tìm hiểu về cách nhận biết xe bị các sự cố chi tiết khác như hỏng côn, hộp số, hệ thống treo…)
Nhận xét
Đăng nhận xét