Chắc chắn những gì bạn nói và nghĩ sẽ cấu thành hành vi của bạn. Vì vậy đừng tự biến mình thành kẻ thù lớn nhất của bản thân.
Không kể bạn là doanh nhân hay chuyên gia ở bất cứ lĩnh vực nào, nếu bạn muốn thành công, dưới đây là 10 câu bạn đừng bao giờ tự huyễn hoặc bản thân.
“Chỉ cần một ý tưởng thật tuyệt vời là đủ”.
Ai cũng có những ý tưởng tuyệt vời, nhưng chỉ những ý tưởng được bạn thực thi mới là những ý tưởng có giá trị.
Nếu bạn đang đi tìm một ý tưởng lớn lao có khả năng thay đổi cuộc đời hay việc làm ăn của bạn, hãy lùi lại một bước và cân nhắc.
Mỗi ngày, hãy dành ra vài phút để tìm ra một ý tưởng đột phá, sau đó dồn hết tâm sức vào thực thi để giúp công việc hoặc cuộc sống tốt đẹp hơn.
Sửa những gì cần sửa, tìm cách phục vụ khách hàng tốt hơn, đó mới chính là những ý tưởng bạn thực sự cần.
“Mình hoàn toàn xứng đáng với điều đó”.
Cũng có thể là bạn làm việc rất chăm chỉ và hy sinh vô số thứ, nhưng đức tính cần cù hay sự hy sinh không phải là kết quả, nó chỉ làm một vài yếu tố trong cả quá trình.
Điều duy nhất mà bạn xứng đáng là điều bạn đạt được ở cuối đường.
Vì vậy, ví dụ, đừng rút tiền mặt khỏi công ty để tự thưởng cho bản thân vì bạn đã làm việc chăm chỉ và bạn “hoàn toàn xứng đáng” với điều đó, vì khoản tiền bạn rút ra hoàn toàn có thể tiếp tục “đẻ” thêm nhiều tiền nếu bạn để lại.
Hãy rút tiền mặt ra khi công ty của bạn đã và sẽ sinh lãi “khủng”, đó mới là lúc bạn nên tự thưởng.
“Giá như có thêm nhiều vốn thì tốt biết mấy”.
Không công ty nào là đủ vốn. Theo số liệu của Cục điều tra số liệu Mỹ, 30% các doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp với số vốn ít hơn 5.000USD, và 10% chủ doanh nghiệp nhỏ chỉ dùng thẻ tín dụng để gây quỹ một phần hoặc toàn phần cho việc làm ăn.
Có thể bạn không điều khiển được lượng vốn bạn có trong tay, nhưng bạn có nhiều quyền kiểm soát đối với chi phí và doanh thu.
Vì vậy, hay ngừng ước ao về khoản vốn mà bạn không có, thay vào đó tập trung tìm cách xoay xở với những thứ bạn đang có, đặc biệt là “vốn nhân lực” – là chính bạn.
“Sẽ chẳng sao đâu nếu thắt lưng buộc bụng một chút”.
Nếu bạn làm trong ngành kinh doanh, việc tập trung nâng cao năng suất và giảm thiểu chi phí là hoàn toàn tự nhiên.
Nhưng thường thì không có cách nào để vừa giảm chi phí mà lại vừa tăng lời, nhất là trong marketing và truyền thông.
“Có khách hàng trung thành rồi, chẳng lo gì”.
Có được khách hàng trung thành là rất khó, nhưng để mất họ lại cực kỳ dễ.
Ví dụ, tôi thích cái shop xe đạp gần nhà đến nỗi tôi thậm chí trả tiền cao hơn một chút để mua sắm ở đấy, nếu không sẽ thấy bứt rứt.
Với một chiếc xe ở đó có giá 3 triệu, vẫn chiếc ấy ở chỗ khác có giá 2 triệu 9, có thể tôi sẽ không mua, 2 triệu 8 ư? Cũng có thể không. Nhưng 2 triệu 5 thì chắc chắn tôi sẽ chuyển mua tại cửa hàng mới.
Thực ra, khách hàng trung thành cũng chỉ vì lợi ích chính bản thân, dịch vụ tốt có thể bù đắp lại khoảng giãn giữa giá cả, nhưng chỉ trong một chừng mực nhất định.
Thêm vào đó, chính các đối thủ cạnh tranh cũng đang cật lực hạ giá và tăng chất lượng dịch vụ để câu khách, nên việc ngồi yên an tâm chờ khách hàng quay trở lại là một chiến lược tồi.
“Hãy tập trung marketing để nâng cao nhận thức khách hàng”.
Theo cách nghĩ truyền thống, khách hàng sẽ thực sự mua hàng sau khi họ bắt gặp một quảng cáo nhiều lần, đó là “nhận thức” được nâng cao.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp mới nào cũng trường vốn để theo đuổi phương pháp vừa dài lâu vừa tốn kém như vậy.
Luôn luôn hướng tới xây dựng một chiến dịch quảng cáo trực tiếp, sáng tạo và có hiệu quả tức khắc, dù ở mức độ nào. Sau đó hãy thúc đẩy dần dần.
“Mức độ nhận thức” là một khái niệm rất khó đo đạc, nhưng doanh thu thực tế thì hoàn toàn có thể.
“Tôi muốn công ty mình như một đại gia đình hạnh phúc”
Việc duy trì một môi trường làm việc thân thiện, đoàn kết và có tính tương trợ là một yếu tố cần thiết, nhưng nhớ rằng một công ty sẽ không bao giờ giống như một gia đình.
Các nhân viên cũng như khách hàng, họ hành động vì lợi ích riêng. Khi lợi ích riêng không tương đồng với lợi ích của cả công ty, họ sẽ bỏ, đó cũng là điều tốt cho tổ chức.
Môi trường làm việc ấm áp, thân thiện là tốt, nhưng đừng để nó lấn át lợi nhuận và tính bền vững. Dính đến tiền thì đến gia đình còn lục đục, đừng nói là “đại gia đình” công ty.
“Tôi chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong bài toán lớn”.
Đúng, nhưng không hoàn toàn. Mọi nhân viên đều quan trọng, nhưng bạn – một người lãnh đạo – quan trọng hơn. Bạn quyền lực hơn, đồng nghĩa với trách nhiệm nặng nề hơn.
Cuối cùng, công ty phản chiếu một phần con người bạn, bạn đang né tránh nhiệm vốn có khi nghĩ mình chỉ là một mảnh ghép nhỏ, không đủ ảnh hưởng.
“Tiếng tăm qua lời đồn là một điều tốt cho công ty”.
Tiếng tăm truyền miệng là một hình thức khó kiểm soát và đẩy công ty bạn vào thế bị động.
Không cần biết bạn nỗ lực để điều này xảy ra đến mức nào, không phải khách hàng nào cũng lập tức trở thành “fan cuồng” và bàn tán về chất lượng sản phẩm công ty tới bạn bè của họ.
Không thể phủ nhận tầm quan trọng và lợi ích của những lời đồn tích cực, tuy nhiên để có được nó, hãy chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, nó sẽ tự đến.
“Cứ mặc kệ nó… rồi sẽ đâu vào đấy”.
Đôi khi bạn không thể bỏ mặc mọi người tự vật lộn được. Để nhân viên tự học từ thất bại là việc nên làm, nhưng đôi lúc bạn cần phải nhúng tay vào.
Trước khi bạn giao việc cho một ai đó, nên quyết định mức độ tham gia của bạn trong công việc ấy. Sau đó theo dõi tiến trình của họ và can dự khi cần thiết.
Nhân viên có thể tự rút kinh nghiệm từ lỗi lầm, nhưng họ cũng có thể học hỏi được nhiều từ lãnh đạo.
Đôi khi, nếu “cứ mặc kệ nó”, nhân viên sẽ có những bài học quý, còn thiệt hại thì bạn lại phải gánh chịu.
Theo INC
Nhận xét
Đăng nhận xét